MÁI TRƯỜNG XƯA

Một hôm quay lại , ghé thăm trường.
Mong là , tìm được chút thân thương.
Huyên náo , sân đông mà vắng bạn.
Chạnh lòng xao xuyến kẻ tha phương.

Tôi được sinh ra với nhiều khiếm khuyết , tôi rất mặc cảm về bản thân mình , tôi là người nhác như con thỏ, nhỏ như con kiến, biếng như con sên, lại còn rất dở hơi là tuy nhút nhác nhưng ngầm ương gàn, mẹ tôi mất năm tôi mới 4 tuổi, tôi sống với cha và rất thương cha , với ý thức non nớt thơ dại tôi luôn lo sợ một cách dại dột là cha tôi có thể đang ngủ rồi chết luôn , vì vậy nhiều đêm đang nằm ngủ bên cạnh cha , tôi đột nhiên thức giấc đưa tay sờ lên mũi cha , thấy ông còn thở tôi mới yên tâm ngủ tiếp , có lẽ vì thói quen đó mà lớn lên tôi thường xuyên bị mất ngủ , khi lớn hơn một chút tôi có nhận xét cha tôi là người không thành công vì vậy tôi luôn tự động viên mình phải cố gắng học tập để thay đổi số phận , nhưng bây giờ khi đã qua nhiều thăng trầm sóng gió tôi mới biết thành công là một khái niệm rất mênh mông và tôi tin rằng cha tôi là người thành công hơn tôi rất nhiều , mặc dù cha tôi chỉ là một nông dân nghèo nhưng ông sống rất vui vẻ , ít bệnh tật và thọ 93 tuổi.

Năm 1960 tôi học xong bậc tiểu học , cha tôi là người đưa tôi lên thị xã để thi tuyển vào trường công lập duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi , trước khi vào thi cha tôi mua cho tôi một chén chè đậu đỏ để ăn lấy hên , có thể nhờ cái hên của chén chè đậu đỏ mà tôi trúng tuyển vào trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn.

Năm 1963 ông Diệm bị đảo chánh , tình hình kinh tế xã hội ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ rất lộn xộn khó khăn , gia đình tôi không đủ khả năng cho tôi học tiếp , với mong muốn học để đổi đời tôi khăn gói vào Sài Gòn để hy vọng có thể vừa đi làm kiếm sống vừa có cơ hội học tiếp , khi vội vàng ra đi tôi đã không biết nên cũng không làm bất cứ thủ tục nào để sau này có thể xin chuyển vào học tiếp tại một trường công lập khác ở Sài Gòn.

Vào Sài Gòn sau khi ổn định chỗ ở và kiếm được việc làm (Thực chất chỉ là làm phu khuân vác tại chợ Cầu Muối , người khỏe làm còn oải thì ốm yếu như tôi làm mới thực sự là quá mệt !!! ) tôi được người quen tư vấn là nên xin nhập học vào trường công lập Nguyễn Trãi tại Khánh Hội , Quận 4 TP HCM bây giờ . Anh khuyên tôi không nên xin nhập học vào các trường công lập danh tiếng trong nội thành như Chu Văn An , Võ Trường Toản , vì sẽ rất khó khăn và không có cơ may được chấp nhận.

Tôi đến trường Nguyễn Trãi gặp thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Minh và trình bày nguyện vọng , tôi trình bày rất tha thiết nên thầy Minh tạm thời ghi nhận và hứa nếu tôi bổ sung đầy đủ học bạ và hồ sơ chuyển trường theo đúng quy định thì trường sẽ xem xét giải quyết.

Như đã nói ở trên, khi đi vào Sài Gòn tôi đã không làm bất cứ thủ tục gì để chuẩn bị cho việc xin chuyển trường và đến thời điểm xin nhập học vào trường Nguyễn Trãi thì tôi cũng không có điều kiện về mặt tài chánh để quay về Quảng Ngãi làm thủ tục chuyển trường vì vậy tôi quyết định xin nhập học vào trường tư thực Lê Bảo Tịnh (Xin nhập học vào các trường tư thục thì không cần hồ sơ chuyển trường . . . )

Rất may lúc đó anh người quen tiếp tục tư vấn cho tôi là tôi có thể làm thủ tục xin chuyển trường bằng cách gửi nguyện vọng qua đường bưu điện , tôi không tin tưởng vào phương pháp này là mấy nhưng thôi còn nước còn tác nên tôi cũng làm cầu âu chứ không hy vọng gì . Vậy là tôi gửi một điện tín nguyện vọng về Ban Giám Hiệu trường Trần Quốc Tuấn để xin lập hồ sơ chuyển trường , tôi có nguyện vọng xin Ban Giám Hiệu trường Trần Quốc Tuấn gửi toàn bộ hồ sơ nói trên đến thẳng địa chỉ của trường Nguyễn Trãi tại Khánh Hội để tôi bổ túc hồ sơ cho Ban Giám Hiệu trường Nguyễn Trãi xem xét quyết định.

Thật bất ngờ là sau khi tôi vào học tại trường Lê Bảo Tịnh được gần một tháng thì có giấy báo của trường Nguyễn Trãi chấp nhận cho tôi vào nhập học , như vậy nghĩa là điện tín nguyện vọng của tôi đã được các thầy cô tại trường Trần Quốc Tuấn xem xét giải quyết và toàn bộ hồ sơ chuyển trường của tôi đã được gửi vào địa chỉ trường Nguyễn Trãi đúng quy định mà tôi không tốn một xu nào , Không biết toàn bộ chi phí ấy trường Trần Quốc Tuấn tính vào đâu?!

Cho mãi đến tận bây giờ tôi cũng không biết ai đã làm hồ sơ , ai đã ký duyệt , ai đã gửi các hồ sơ ấy cho trường Nguyễn Trãi . . . năm ấy là năm 1964 , nhưng dù là ai đã làm hồ sơ cho tôi thì cũng vậy thôi , đối với tôi trường Trần Quốc Tuấn lúc nào cũng là ngôi trường đẹp nhất trong lòng tôi. . Ngôi trường mà thời bấy giờ học sinh chúng tôi thường ghi nhớ thời khóa biểu các môn học bằng một câu thần chú thần kỳ :

“ Bà Hoa sử ông Thư vẽ hán ông Kỉnh”

Sử là môn lịch sử chứ không phải sử là xúi dục , hán là môn Hán văn chứ không phải là cái háng

(Hiểu là: Cô Hoa dạy môn sử, Thầy Thư dạy môn vẽ , Thầy Kỉnh dạy môn Hán văn , Chứ không phải là Bà Hoa xúi dục ông Thư vẽ cái háng ông Kỉnh)